Giai đoạn ăn dặm đánh dấu bước phát triển mới của bé. Việc sắp xếp các bữa ăn sao cho hợp lý, khoa học ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của trẻ.
Nhiều cha mẹ mong muốn con sớm biết ăn dặm nên sắp xếp các bữa ăn dày đặc. Đồ ăn của bữa trước trẻ chưa tiêu hóa hết đã vội “nhồi” thêm. Việc này dẫn đến tình trạng con không đói, giảm cảm giác thèm ăn gây biếng ăn.
Chị Nguyễn Phương Nhung (TP.HCM) hiện là mẹ của 3 bé, bé thứ ba đang ở độ tuổi ăn dặm. Bé lớn gặp tình trạng biếng ăn tâm lý kéo dài dẫn đến thiếu chất, suy dinh dưỡng. Chị đã tìm hiểu các kiến thức ăn dặm, rút ra được nhiều kinh nghiệm giúp con bước vào giai đoạn tập ăn tốt nhất. Dưới đây là chia sẻ của mẹ ba con về cách sắp xếp các bữa ăn cho bé khoa học cùng Zing.vn:
Để tránh được hiện tượng biếng ăn của trẻ, mẹ cần nắm được thời gian thực phẩm tiêu hóa hết như sau:
– Sữa mẹ: 1-2 giờ
– Sữa công thức: 2-3 giờ
– Đồ ăn nhẹ: 3-4 giờ
– Đồ ăn thông thường: 4-5 giờ
– Đồ ăn có dầu mỡ: 5-6 giờ
Bước vào tháng thứ 6, sữa mẹ không còn đáp ứng đủ nhu cầu về dinh dưỡng cho bé, cần được bổ sung chất từ thực phẩm. Ảnh: Babyofmine |
Ta có thể thấy, nếu bé được ăn với lượng sữa thông thường ít nhất 1-2 giờ sau mới có thể ăn bữa tiếp theo, tương tự với sữa công thức và các đồ ăn khác. Vì vậy, bố mẹ có thể thiết lập cho con một lịch sinh hoạt cố định, nề nếp và khoa học.
Việc này rất tốt cho đồng hồ sinh học của con và bạn sẽ chủ động hơn trong việc sắp xếp thời gian biểu. Không có lịch trình nào chuẩn cho tất cả các bé, bạn nên quan sát, nghiên cứu để xây dựng lịch sinh hoạt phù hợp với con trẻ.
Ví dụ, bé 8 tháng tuổi sẽ có thể chia lịch ăn như sau:
– 6h30: ăn sữa
– 9h: ăn sữa
– 11h30: ăn cháo
– 15h: bữa phụ
– 18h30: bữa chính (cháo/bún/mì)
– Trước khi ngủ 1h: ăn sữa
Cha mẹ không nên ép con ăn quá nhiều, gây tình trạng chán ăn, biếng ăn. Ảnh: Wukong |
Chính nỗi lo luôn sợ con đói và ép con ăn một cách phản khoa học sẽ làm tình trạng biếng ăn kéo dài. Đây là sai lầm của tôi khi chăm sóc bé, khiến việc chữa biếng ăn trở thành một hành trình dài và cần nhiều kiên nhẫn.
Ngoài ra, các mẹ cũng không nên cho trẻ ăn dặm sớm và quá nhiều chất. Theo khuyến cáo của các chuyên gia dinh dưỡng trẻ em, thời điểm thích hợp nhất để cho bé ăn dặm là từ 6 tháng tuổi. Nếu mẹ cho con ăn dặm sớm hơn, hệ tiêu hóa chưa hoàn chỉnh, bé sẽ khó khăn trong việc hấp thụ thức ăn. Đây cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng khó tiêu và chán ăn.
Các thức ăn nhiều protit, chất đạm, chất béo,… chưa thể tiêu hóa có thể gây dị ứng hoặc rối loạn. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển hệ tiêu hóa và sức khỏe của trẻ.